HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “XỨ THANH - ĐA DẠNG VĂN HÓA VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”
Sáng ngày 13/11/2023, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: "Xứ Thanh - Đa dạng văn hóa và phát triển bền vững". Mục đích của Hội thảo là tạo ra diễn đàn khoa học để các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong và ngoài tỉnh chia sẻ, thảo luận các vấn đề về lĩnh vực văn hóa xứ Thanh, về du lịch bền vững hướng tới phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay.
Tham dự hội thảo, về phía lãnh đạo tỉnh có đồng chí Lê Đức Giang - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch HĐKHCN tỉnh; đại diện các sở, ngành cấp tỉnh; các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục Trung ương và địa phương.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo khoa học quốc gia "Xứ Thanh - Đa dạng văn hóa và phát triển bền vững" đã nhận được hơn 80 bài tham luận của các nhà khoa học trong cả nước, với 57 tham luận được chọn đăng.
Hội thảo được tổ chức làm 2 phiên, gồm: Phiên thảo luận chuyên sâu tại 3 tiểu ban và phiên chính thức.
Đúng 8h, phiên thảo luận chuyên sâu tại 3 tiểu ban bắt đầu làm việc dưới sự điều hành hội thảo của các giáo sư đầu ngành: (1) NGƯT.GS.TS. Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; (2) GS.TS. Đặng Nguyên Anh - Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; (3) GS.TS. Trịnh Sinh - Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; (4) NGND.PGS.TS. Lê Văn Tạo - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa (5) GS.TS. Trần Trí Dõi - Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Hà Nội, Nguyên Trưởng Khoa Ngôn ngữ học - Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; (6) GS.TS. Trương Quốc Bình - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tại các phiên thảo luận chuyên sâu, khách dự hội thảo đã được nghe các tác giả trình bày tham luận và tập trung thảo luận về nội dung chủ đạo của Hội thảo; thống nhất được quan điểm và giải quyết được những vấn đề lớn mà chủ đề hội thảo đưa ranhư: Văn hóa truyền thống xứ Thanh với phát triển bền vững; Đa dạng văn hóa xứ Thanh với phát triển bền vững; Chính sách, nguồn lực và giải pháp thúc đẩy văn hóa xứ Thanh với phát triển bền vững;
Phiên chính thức diễn ra lúc 9 giờ 30 phút, dưới sự điều hành của Ban chủ trì gồm:
1) Đ/c Lê Đức Giang-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch HĐKHCN tỉnh.
2) PGS.TS. Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch
3) NGND.PGS.TS. Lê Văn Tạo - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
4) GS.TS. Trần Trí Dõi - Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Hà Nội, Nguyên Trưởng Khoa Ngôn ngữ học - Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
5) GS.TS. Trương Quốc Bình - Nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
Mở đầu phiên chính thức, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Lê Đức Giang - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch HĐKHCN gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các các nhà khoa học, quý vị đại biểu, khách quý, nhà quản lý, các cơ quan thông tấn báo chí đã về tham dự Hội thảo khoa học quốc gia "Xứ Thanh - Đa dạng văn hóa và phát triển bền vững"đồng thời khẳng định Hội thảo có ý nghĩa rất thiết thực trong công tác tham mưu chính sách về văn hóa đối với địa phương; là hoạt động tuyên truyền nhằm tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương với bạn bè cả nước về đất và người xứ Thanh, qua đó, khơi dậy lòng tự hào của mỗi người dân Thanh Hóa hôm nay quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Đồng chí Lê Đức Giang - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch HĐKHCN phát biểu tại Hội thảo
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang tin tưởng và kỳ vọng thông qua Hội thảo các nhà nghiên cứu, các chuyên gia sẽ thảo luận và làm sáng tỏ thêm về những giá trị văn hóa truyền thống, sự đa dạng, đặc sắc của vùng đất và con người xứ Thanh; đồng thời khuyến nghị những định hướng và giải pháp về cơ chế, chính sách, nguồn lực để tỉnh Thanh Hóa phát huy tốt nguồn lực văn hóa đặc sắc của quê hương, góp phần sớm đưa Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh hội nhập toàn cầu của thời đại cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
Nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng gửi đến các thế hệ nhà giáo, các "kỹ sư tâm hồn" - người làm nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý những tình cảm thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất, kính chúc các thầy cô giáo tiếp tục gặt hái được nhiều "quả ngọt" trong sự nghiệp trồng người.
Tiếp theo chương trình, thay mặt Ban Tổ chức, PGS.TS. Nguyễn Thị Thục trình bày Báo cáo đề dẫn hội thảo. Báo cáo chỉ rõ: "Thanh Hóa là vùng đất có điều kiện tự nhiên đặc biệt, có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa rất đáng tự hào. Trong từng giai đoạn lịch sử, người xứ Thanh luôn biết tạo ra cho mình những sắc thái văn hóa riêng, thể hiện qua hệ thống di sản văn hóa phong phú và đa dạng. Thanh Hóa còn là vùng đất truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường, nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Mặt khác, với vị trí địa lý đặc biệt, nơi hội tụ đầy đủ tiềm năng của ba vùng kinh tế: miền núi, trung du, đồng bằng ven biển, nguồn tài nguyên phong phú bao gồm tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản. Xứ Thanh, luôn được ví von là "hình ảnh của nước Việt Nam thu nhỏ". Vậy Xứ Thanh, Thanh Hóa sẽ phải huy động những nguồn lực nào để phát triển bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước? Đó chính là mục tiêu nghiên cứu, trao đổi của Hội thảo ngày hôm nay".
Tại Phiên chính thức, Hội thảo đã được nghe 3 tham luận do 3 tiểu ban lựa chọn đề xuất trình bày, các tham luận trao đổi về vấn đề phát huy giá trị của di sản văn hóa, tạo nguồn lực phát triển du lịch bền vững, về một số vấn đề về bảo vệ và khai thác giá trị di sản văn hóa tộc người phục vụ phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Thanh Hóa, về yếu tố con người và văn hóa nguồn lực chính để Thanh Hóa phát triển bền vững. Sau đó, đại diện chủ trì của 3 tiểu ban đã báo cáo kết quả thảo luận chuyên sâu tại các tiểu ban. Các nhà khoa học đều khẳng định: Thanh Hóa là vùng đất cổ có bề dày về văn hóa, lịch sử; bản sắc về vùng đất và con người xứ Thanh đã được tạo nên từ môi trường sống và những tích tụ văn hóa từ nghìn năm lịch sử. Quá trình đó đã hình thành nên một nét riêng, không chỉ bó hẹp trong phạm vi văn hóa mà còn là nguồn vốn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, tiềm năng văn hóa truyền thống đó chưa được khai thác hiệu quả và bền vững nên rất cần được các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm hơn nữa.
Bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Lê Thanh Hà - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường đã gửi lời cảm ơn tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh, các chuyên gia, các nhà khoa học của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, các nhà quản lý giáo dục trong và ngoài trường đã quan tâm và góp phần làm nên thành công của hội thảo. Hội thảo đã tập trung phân tích và khẳng định xứ Thanh là một trong những cái nôi của văn minh Đại Việt, là vùng đất có bề dày về truyền thống lịch sử và văn hoá, chứa đựng và tích tụ những thành tố văn hoá đặc sắc, đa dạng. Khẳng định tiềm năng, lợi thế của văn hóa truyền thống xứ Thanh như một bệ đỡ và nguồn lực quan trọng để xác định hệ giá trị văn hóa và con người địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn cần được khắc phục để từ đó đề xuất với UBND tỉnh Thanh Hóa, ngành VH,TT&DL địa phương, các cấp thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa định hướng xây dựng và triển khai các chính sách phát triển văn hóa, con người xứ Thanh làm tiền đề, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa.
PGS.TS. Lê Thanh Hà - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu bế mạc Hội thảo
Kết thúc bài phát biểu Hiệu trưởng Lê Thanh Hà chỉ rõ một số công việc của Nhà trường sẽ làm trong thời gian tới để phát huy một cách hiệu quả nhất những kết quả đạt được của Hội thảo. PGS.TS. Lê Thanh Hà hy vọng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các chuyên gia sẽ tiếp tục có những đóng góp, hỗ trợ nhiều hơn để tỉnh Thanh Hóa bứt phá mạnh mẽ, hoàn thành mục tiêu trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực phía Bắc và cả nước như mục tiêu Nghị quyết 58 - NQ/TW 2020 của Bộ Chính trị "Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã đề ra.
Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
PGS. TS. Nguyễn Thị Thục, Ủy viên BCH Đảng bộ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo
NGƯT.GS.TS. Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo
GS.TS. Trịnh Sinh - Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo
NGND.PGS.TS. Lê Văn Tạo - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa báo cáo kết quả phiên thảo luận của Tiểu ban 3
GS.TS. Trần Trí Dõi - Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Hà Nội, Nguyên Trưởng Khoa Ngôn ngữ học - Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội báo cáo kết quả phiên thảo luận của Tiểu ban 1
GS.TS. Trương Quốc Bình - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo kết quả phiên thảo luận của Tiểu ban 2
PGS.TS. Hỏa Diệu Thúy - Trường Đại học Hồng Đức trình bày tham luận tại Hội thảo
TS. Trịnh Thị Hoa - Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn trình bày tham luận tại phiên thảo luận chuyên sâu
Tác giả: Hoàng Thị Thanh Bình Trần Thị Như Quỳnh
- ĐOÀN CÔNG TÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI SINGAPORE
- ĐOÀN CÔNG TÁC TỈNH NIIGATA (NHẬT BẢN) ĐẾN THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
- HỘI NGHỊ QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH TỔ CHỨC ĐẠI HỘI CHI BỘ TRỰC THUỘC, NHIỆM KỲ 2025 - 2027 TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA LẦN THỨ V, NHIỆM KỲ 2025 - 2030
- SÔI ĐỘNG CHƯƠNG TRÌNH CHÀO TÂN HỌC SINH - SINH VIÊN TUCST NĂM HỌC 2024 - 2025
- HỘI NGHỊ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM HỌC 2024 - 2025
- TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT - TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG VÀ KỸ NĂNG PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY - CỨU NẠN CỨU HỘ CHO HỌC SINH, SINH VIÊN NĂM HỌC 2024 - 2025
- LỄ TỔNG KẾT, BẾ MẠC VÀ TRAO GIẢI BÓNG ĐÁ NAM HỌC SINH - SINH VIÊN TUCST 2024
- KHAI MẠC GIẢI BÓNG ĐÁ NAM HỌC SINH, SINH VIÊN NĂM 2024
- KÌNH NGƯ CAO THỊ DUYÊN - SINH VIÊN ĐẠI HỌC QUẢN LÝ THỂ DỤC THỂ THAO K10 XUẤT SẮC GIÀNH VÉ DỰ ĐẠI HỘI THỂ THAO THẾ GIỚI 2025
- TỔ CHỨC BẢO VỆ LUẬN VĂN, ĐỀ ÁN THẠC SĨ CHUYÊN NGÀNH QUẢN LÝ CÔNG KHÓA II VÀ QUẢN LÝ VĂN HÓA KHÓA VII (2022 2024), ĐỢT 2 NĂM 2024